* Vị trí địa lý
Xã Nam Trung nằm trên Tỉnh lộ 390 (đường 17 cũ) ở phần trung tâm của huyện Nam Sách, phía Bắc giáp Nam Chính, phía Đông giáp Quốc Tuấn và An Lâm, phía Nam giáp Thị trấn Nam Sách, phía Tây giáp Nam Hồng và An Sơn.
Diện tích tự nhiên là: 394.7 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 219ha.
Địa hình xã Nam Trung bao gồm dải đất cao hơn dọc theo hướng Bắc - Nam vắt qua trung tâm của xã sau đó thấp dần về hai phía Đông và Tây. Phía Tây Nam có con sông cổ tạo nên vùng bãi trũng, đất đai màu mỡ phù hợp để canh tác hai vụ lúa trong năm. Dân số năm 2023 là 6.742 người. Toàn xã có 11 người dân tộc thiểu số sinh sống. Số người trong độ tuổi lao động là gần 60%. Xã có 3 thôn gồm: thôn Thuỵ Trà, thôn Mạn Đê và thôn Thượng Dương. Đây đều là những thôn có bề dầy lịch sử lâu đời.
* Lịch sử hình thành:
Xã Nam Trung là vùng đất có lịch sử lâu đời. Theo Thần phả của làng Thuỵ Trà thì từ thời Khúc Thừa Dụ giành quyền tự chủ đã có và tên gọi là làng Trà Hương. Thời 12 sứ quân là nơi được tướng quân Phạm Chiêm (tức Phạm Lệnh Công) cai quản người đã cưu mang con trai cả của Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập sau này là Thiên Sánh Vương của triều Ngô trong lịch sử Việt Nam.
Trước cách mạng tháng Tám 1945, Nam Trung có tên gọi là tổng Mạn Đê. Trong kháng chiến chống Pháp được tách ra, sáp nhập nhiều lần có các tên gọi là: Xã Vạn Xuân, Xã Minh Đức, xã Trần Phú. Sau năm 1945, xã Nam Trung được thành lập với ba thôn và có tên gọi như ngày nay.
Đảng bộ xã thành lập ngày 01/01/1941. Đảng bộ xã Nam Trung có 11 chi bộ trực thuộc gồm 03 chi bộ nông thôn, 03 chi bộ trường học, 01 chi bộ dân quân cơ động và 01 chi bộ công an, 01 chi bộ y tế và 02 chi bộ doanh nghiệp. Tổng số đảng viên hiện nay là 332 đảng viên.
* Phát triển Kinh tế:
Nam Trung nổi tiếng với nghề trồng cây hành tỏi vụ đông với trình độ thâm canh cao và từ nguyên liệu sẵn có. Nhân dân xã Nam Trung đã phát triển nhanh, mạnh và bền vững một nghề mới đó là nghề sấy nông sản xuất khẩu. Tiêu biểu là thôn Mạn Đê được UBND tỉnh Hải Dương công nhận danh hiệu Làng nghề năm 2004. Hiện trên địa bàn xã có gần 20 công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực chế biến và buôn bán hàng nông sản. Trên 300 hộ làm nghề sấy nông sản các loại. Đồng thời Nam Trung cũng là nơi tiêu thụ chính các mặt hàng hành, tỏi trong tỉnh Hải Dương và các khu vực lân cận. Nghề trồng hành vụ đông và chế biến nông sản đã tạo ra nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong xã. Ngoài ra còn có nhiều công ty đầu tư xây dựng nhà xưởng may mặc, sản xuất vàng mã xuất khẩu đạt hiệu quả cao. Cùng với việc sản xuất, việc bảo vệ môi trường để phát triển bền vững cũng được quan tâm. Từ năm 2002 thôn Mạn Đê là thôn duy nhất của tỉnh Hải Dương và là một trong 14 đơn vị trong cả nước được công nhận danh hiệu "Làng Năng suất xanh". Được Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) thăm kiểm tra và công nhận cho đến nay.
* Văn hoá - xã hội:
Nam Trung là xã có truyền thống hiếu học của huyện Nam Sách. Tỷ lệ con em trong xã đỗ vào các trường PTTH công lập luôn ở tốp đầu của huyện. Chỉ tính riêng thôn Thuỵ Trà chỉ với gần một nghìn nhân khẩu đã có gần 200 người tốt nghiệp đại học trở lên, có 05 người là Tiến sĩ, 01 Nhà giáo nhân dân, 01 Giáo sư, 01 Phó Giáo sư. Cả ba thôn đã đạt và giữ vững danh hiệu làng văn hoá. Trong đó thôn Thượng Dương đã 19 năm liền đạt danh hiệu làng văn hoá. Năm 2017 Nam Trung được công nhận xã Nông thôn mới, năm 2023 xã xã được công nhận xã Nông thôn mới nâng cao.
* Tôn giáo - di tích:
Cả xã Nam Trung chỉ có hai hộ theo công giáo. Đại bộ phận nhân dân theo đạo phật, các thôn ở xã Nam Trung đều có các di tích Đình, Chùa to đẹp. Qua thời gian và chiến tranh các di tích đều bị hư hại nặng. Từ năm 1990 nhân dân đã góp công, góp của khôi phục các di tích cũ. Đặc biệt gần đây nhân dân cả 3 thôn đã xây dựng 3 ngôi chùa mới to đẹp với kinh phí gần 15 tỷ đồng. Năm 2013, khu di tích Đình làng Thuỵ Trà được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là di tích lịch sử văn hoá. Đình Thuỵ Trà thờ tướng công Phạm Chiêm là người có công lớn trong thời kỳ đầu khôi phục nền độc lập và chống giặc ngoại xâm của dân tộc ở thế kỷ thứ 10 cháu nội của cụ Đại tướng Phạm Cư Lạng (Lượng) là người có công đầu trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống xâm lược năm 981 thời vua Lê Hoàn và cũng được thờ tại đây.
Năm 2016 khu di tích Đình làng Mạn Đê cũng được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử văn hoá. Đình làng Mạn Đê thờ tướng quân Hoàng Hồng có công lớn trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm thời đại Tiền Lê. Ngài đã hoá (mất) tại địa phương thôn Mạn Đê được nhân dân thờ phụng. Và được các đời vua phong nhất đẳng nhân thần thờ là Thành Hoàng làng Mạn Đê đã hơn 10 thế kỷ. Hiện thôn Mạn Đê còn lưu giữ được nhiều sắc phong của các đời vua qua nhiều thời kỳ lịch sử.
Các di tích ở các thôn còn truyền lại đã chứng minh vùng đất xã Nam Trung ngày nay là nơi địa linh nhân kiệt có truyền thống và bề dày lịch sử lâu đời.